Nhân vật Yến hội (Platon)

Tất cả những nhân vật được nhắc tới trong tác phẩm của Platon đều dựa trên những nhân vật có thật. Dưới đây là danh sách các nhân vật chính.

  • Apollodoros
Apollodoros, nhân vật đối thoại đứng ngoài sự kiện bữa tiệc rượu, là một tín đồ nhiệt thành của Socrates và luôn đồng hành cùng ông. Các nhà nghiên cứu chưa biết rõ liệu nhân vật này có được phỏng theo nhà điêu khắc cùng tên hay không. Trong vai trò nhân vật đối thoại của Platon, ông ta được miêu tả là người dễ kích động, nhiệt tình nhưng tiết chế kém. Ông ấy mới làm quen với Socrates khoảng 3 năm trước thời điểm câu chuyện khung.[6]
  • Aristodemos
Aristodemos, một trong những vị khách tại nhà Agathon, là người tường thuật chi tiết nội dung buổi tiệc cho Apollodoros hay. Platon miêu tả ông là người có vóc dáng thấp bé, rất mến mộ Socrates nên lúc nào cũng đi chân đất để bắt chước người thầy của mình.[7]
  • Phaedrus
Phaedrus là vị khách đầu tiên phát biểu trong bữa tiệc; ông đã được chứng thực là một nhân vật lịch sử. Phaedrus sinh ra tại demos Myrrhinous thuộc vùng ngoại ô Athens vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 TCN. Tuy trẻ tuổi hơn Socrates khoảng hai thập kỷ, ông lại là một trong những người rất thân cận với Socrates. Vào năm 415 TCN, Phaedrus vương vấn phải một vụ bê bối làm rung chuyển đời sống chính trị tại Athens. Theo đó thì ông cùng một số đồng lõa đã phỉ báng lễ bí nghi Eleusínia, khiến cho nhà nước truy tố ông vì tội báng bổ tôn giáo. Ông đành từ bỏ Athens và sống lưu vong, vẫn bị kết án vắng mặt tại quê nhà và bị tịch thu toàn bộ tài sản.[8] Sau này ông may mắn được ân xá và được phép quay trở lại Athens.[9]Ngoài ra, Phaedrus còn xuất hiện trong đối thoại triết học cùng tên của Platon thảo luận về khát vọng nhục dục. Ông được miêu tả là người yêu thích những bài hùng biện công phu. Phaedrus trong tác phẩm Yến hội nắm chắc quy tắc tu từ thời bấy giờ. Tuy nhiên, sự hiểu biết của ông về Eros còn hạn hẹp trong khuôn mẫu của thời đại, điều mà ông vẫn vui lòng trình bày.[10]
  • Pausanias
Pausanias là vị khách thứ hai phát biểu trong bữa tiệc; ông có lẽ là một nhân vật lịch sử. Sự phân biệt rạch ròi giữa eros tao nhã-khiếm nhã và những gì phù hợp-bất hợp với xã hội chính là những điểm mấu chốt trong diễn từ của Pausanias. Sử gia Xenophon, người sống cùng thời với Platon, dường như đã tham khảo quan điểm tình yêu của Pausanias trong thời gian ông biên soạn cuốn Yến hội (trùng tên với tác phẩm của Platon). Trong Yến hội của Platon, Pausanias và Agathon có một mối hấp dẫn tình dục.[11]
  • Eryximachus
Eryximachus là vị khách thứ ba phát biểu trong bữa tiệc theo trí nhớ của Aristodemos; ông là người bạn lâu năm của Phaedrus. Eryximachus vốn là người hành nghề y nên ông nhìn nhận eros từ khía cạnh sinh lý học, tức là dựa trên sự ốm yếu hoặc khỏe mạnh. Ông là người tự tin và cực kỳ tâm đắc kiến thức y khoa của mình, vì lẽ ấy mà phong cách diễn từ của ông cũng rành mạch chẳng kém. Không rõ liệu Platon có dựa nhân vật đối thoại đây theo một người tên là Eryximachus, cũng bị kết tội báng bổ tôn giáo giống Phaedrus vào năm 415 TCN hay không.[12]
  • Aristophanes
Nhà hài kịch Aristophanes là người tiếp theo đưa ra diễn từ, trong đó có đề cập đến thần thoại về người hình cầu nổi tiếng. Bài phát biểu của ông là hư cấu văn học thuần túy; không có mối liên hệ lịch sử nào giữa Aristophanes và câu chuyện người hình cầu do chính Platon sáng tác. Trong Yến hội, Aristophanes, với vai trò là một nhân vật đối thoại, rất hòa hợp với các vị khác tại bữa tiệc. Song Aristophanes ngoài đời thực lại là người viết vở kịch mang tựa Những đám mây vào năm 423 TCN nhằm châm biếm Socrates và triết học của ông. Điều này góp phần làm giảm đi phần nào tiếng tăm triết học của Socrates trước công chúng Hy Lạp và giúp thúc đẩy triết lý của phái ngụy biện lúc bấy giờ đang mất nhiều uy tín. Cũng chính vì những tiếng xấu đó mà công chúng thành Athens đã buộc tội Socrates lan truyền tư tưởng tha hóa thanh niên vào năm 399 TCN, và ông rốt cuộc bị kết án tử hình.[13]
  • Agathon
Sau Aristophanes, cậu thanh niên khôi ngô tuấn tú chủ trì bữa tiệc Agathon bày tỏ ý kiến của mình. Anh làm thơ ca ngợi Eros, tô điểm với các phương pháp tu từ. Ta biết rất ít về nhân vật Agathon ngoài đời thực, chỉ biết rằng nhiều nguồn tả anh với vẻ đẹp trai, giàu có và tài năng. Nhà hài kịch Aristophanes từng viết vở kịch Thesmophoriazousae để chế nhạo ngoại hình và lối cư xử chỉnh tề của Agathon, cho rằng anh ta là kẻ tự phụ giả tạo.[14]